Thảm tập yoga là một phần không thể thiếu trong các buổi tập, giúp cho người tập cảm thấy thoải mái và tự tin để thực hiện những động tác yoga đẹp mắt. Hãy cùng xem qua cách chọn thảm tập yoga trong bài viết dưới đây hãy cùng Misskick xem mình phù hợp với loại thảm nào nhé!
Nội dung bài viết
Phân loại thảm tập yoga
Thảm tập Yoga làm từ vật liệu PVC
Thảm PVC làm từ nhựa PVC – một chất liệu được sử dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực (sản xuất đồ nội thất, thiết bị y tế, công nghiệp dân dụng,…). Nhờ vào giá thành rẻ, dễ vệ sinh, thời gian sử dụng từ 6 – 12 tháng nên thảm PVC rất phù hợp với túi tiền của nhiều người.
Ưu điểm
- Giá thành rẻ.
- Trọng lượng nhẹ và không cồng kềnh.
- Dễ mua.
Nhược điểm
- Chất liệu PVC không thân thiện với môi trường.
- Thời gian sử dụng ngắn (6 – 12 tháng).
- Có mùi nhựa rất nặng, gây khó chịu khi mới mua.
- Độ bền kém.
Thảm tập Yoga làm từ vật liệu NBR
Cao su NBR (tên đầy đủ là Nitrile Butadiene Rubber) là một nguyên liệu được sử dụng nhiều trong ngành hàng không và ngành công nghiệp ô tô. Nhờ đặc tính cách nhiệt và lớp đệm tốt nên cao su NBR được sử dụng làm chất liệu cho thảm tập yoga.
Thảm tập yoga NBR có đặc tính tương tự như cao su non: sở hữu độ đàn hồi tốt, chịu dầu, cách nhiệt ổn định.
Ưu điểm
- Giá thành rẻ, độ bền cao.
- Cách nhiệt tốt, thích hợp để sử dụng vào mùa lạnh.
- Dễ dàng vệ sinh, tẩy rửa.
Nhược điểm
- Việc sản xuất thảm NBR không thân thiện với môi trường.
- Khả năng bám sàn không cao do dễ dàng giặt rửa.
Thảm tập Yoga TPE
TPE (Thermoplastic Elastomer) là loại chất liệu cao cấp mới được đưa vào sản xuất thảm tập yoga trong những năm gần đây. Thảm yoga TPE được sản xuất theo quy trình đúc khuôn nhiệt, không chứa hóa chất độc hại nên rất thân thiện với môi trường và an toàn cho làn da.
Ưu điểm
- Có tính đàn hồi cao, chịu lực, chịu nhiệt tốt.
- Chất liệu thân thiện với môi trường.
- Khả năng bám sàn cao, chống trượt tốt.
- Thời gian sử dụng lâu (có thể lên đến 4-5 năm).
- Trọng lượng khá nhẹ, dễ gấp gọn.
Nhược điểm: Mặc dù đã được sản xuất đại trà nhưng thảm TPE vẫn có giá thành khá cao nhưng với những đặc tính tuyệt vời mà nó đem lại thì đây là mức giá xứng đáng để đầu tư.
Thảm tập Yoga làm từ cao su tự nhiên kết hợp PU
Cao su tự nhiên thuộc loại chất liệu cao cấp, thường thấy trong các dòng thảm yoga của những thương hiệu nổi tiếng. Thảm yoga này sở hữu tất cả những đặc điểm tuyệt vời mà một chiếc thảm yoga cần có: chống trơn trượt tốt và độ bền tương đối cao, khả năng bám sàn vượt trội. Loại thảm này đòi hỏi bạn phải sử dụng và bảo quản cẩn thận để được bền lâu.
Ưu điểm
- Độ bám sàn vượt trội.
- Độ bền cao, thời gian sử dụng lâu (3 năm so với người tập bình thường).
- Chất liệu hoàn toàn tự nhiên, thân thiện với môi trường.
Nhược điểm
- Giá thành đắt hơn so với các chất liệu khác như PVC, NBR, TPE.
- Trọng lượng nặng.
- Lâu khô.
Tiêu chí chọn mua thảm tập yoga
Tính chống trơn trượt – khả năng bám sàn
Đây là một trong những tiêu chí quan trọng khi chọn thảm tập yoga bởi vì các bài tập yoga có nhiều mức độ từ dễ đến khó, có những tư thế khó đòi hỏi người tập phải vô cùng cẩn thận để tránh té ngã, gây chấn thương.
Vì vậy, hãy chọn loại thảm có mặt dưới bám sàn tốt, giúp cố định thảm tập với mặt sàn tránh tình trạng xê dịch thảm trong khi luyện tập.
Bạn có thể kiểm tra tính chống trơn trượt bằng cách thử trải thảm xuống sàn. Nếu nhận thấy thảm bị trượt dễ dàng thì đừng nên lựa chọn nó nhé!
Có thể gấp gọn
Hãy ưu tiên chọn thảm có chất liệu mỏng nhẹ, có thể dễ dàng gấp gọn vào một góc để mang đi tập thường xuyên, vừa thuận tiện vừa tiết kiệm thời gian và công sức.
Khả năng đàn hồi
Khi sử dụng thảm yoga, phần lớn các bộ phận trên cơ thể sẽ tiếp xúc trực tiếp với thảm dù là nằm, đứng hay ngồi. Vì vậy, thảm yoga cần có độ đàn hồi tốt để giúp người tập thoải mái khi tập luyện các động tác khó như uốn người, chống tay, chống chân xuống thảm.
Nếu thảm không có khả năng đàn hồi thì khi chống tay, chống chân xuống thảm sẽ ảnh hưởng đến xương khớp và có nguy cơ mắc các chấn thương từ nhẹ đến nặng.
Cách chọn mua thảm tập yoga tốt và phù hợp nhất
Mức giá phù hợp
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thảm yoga khác nhau đa dạng về mẫu mã, kích thước và chất liệu. Bạn cần xác định nhu cầu sử dụng thảm và số tiền sẽ đầu tư vào thảm yoga tùy theo điều kiện cho phép.
Nếu bạn muốn tìm một loại thảm yoga giá rẻ thì có thể tham khảo thảm làm từ chất liệu PVC và NBR. Còn nếu bạn muốn đầu tư thảm yoga chất lượng, độ bền cao thì hãy chọn mua thảm yoga làm từ cao su thiên nhiên phủ PU hoặc TPE.
Kiểm tra kích cỡ thảm
Theo một bài viết trên trang livestrong.com, kích thước tiêu chuẩn của thảm yoga là dài 68 inch rộng 24 inch. Tuy nhiên, bạn nên chọn thảm có chiều dài dài hơn cơ thể để tránh việc cơ thể bị dư ra trong khi tập.
Độ dày, độ nặng của thảm
Mặc dù thảm dày có độ bền cao tuy nhiên nhược điểm của nó là quá nặng, gây khó khăn khi gấp gọn để mang đi tập và khó giữ thăng bằng.
Vì vậy, hãy chọn thảm có độ dày vừa phải, tốt nhất là thảm 2 lớp vì chúng có độ bền cao, khả năng bám sàn và chống trơn trượt tốt, dễ sử dụng.
Loại hình yoga mà bạn tập
Không phải cứ chọn thảm yoga mắc tiền là tốt mà điều này còn phụ thuộc vào nhu cầu tập yoga của mỗi người:
- Nếu bạn là người mới tập yoga, chưa biết loại thảm nào phù hợp với mình thì hãy chọn thảm có giá rẻ trước, sau đó mới bắt đầu mua những loại thảm đắt hơn, có chất lượng tốt hơn.
- Nếu bạn là người tập yoga lâu năm, có mong muốn theo đuổi yoga lâu dài thì hãy đầu tư thảm có chất lượng tốt nhất, đến từ thương hiệu uy tín để có thể cảm nhận toàn bộ những lợi ích tuyệt vời mà yoga đem lại.
Việc chọn thảm yoga cũng cần dựa theo loại hình yoga mà bạn theo đuổi:
- Nếu bạn học yoga tại các phòng tập, lớp học thì bạn nên chọn những tấm thảm có khả năng đàn hồi và bám sàn tốt.
- Đối với những người tập yoga tĩnh (chủ yếu là ngồi nhiều) thì cần chọn thảm có độ mềm mại, không cần quá chú trọng về độ bám.
- Đối với những người tập yoga nóng (tập yoga trong căn phòng có nhiệt độ và độ ẩm cao) thì hãy chọn loại thảm chuyên biệt dành cho hình thức yoga này để ngăn hấp thụ mồ hôi, giúp thảm sử dụng bền lâu và ít hỏng.
Xem xét tính đàn hồi và co giãn của thảm
Bạn có thể kiểm tra tính đàn hồi của thảm bằng cách đè chặt ngón chân xuống thảm. Nếu nó có thể trở về hình dáng ban đầu thì đây là loại thảm có tính đàn hồi tốt.
Bạn có thể dùng hai ngón tay bóp 2 mặt của thảm, nếu hai ngón tay dễ dàng đụng vào nhau thì không nên chọn thảm này vì chúng có độ đàn hồi kém, có thể làm bạn đau trong khi tập yoga.
Hướng dẫn bảo quản thảm tập yoga
Cách bảo quản thảm tốt nhất chính là lau thảm sau mỗi lần tập bằng cách dùng khăn mềm vắt khô nước sau đó lau sơ qua để lấy đi bụi bẩn, rồi dùng khăn ẩm lau sạch lại một lần nữa rồi phơi khô trong mát.
Nếu bạn tập yoga hằng ngày hoặc nhiều ngày trong tuần thì bạn nên mang thảm đi giặt mỗi tháng một lần để giúp thảm sạch sẽ, không bị hôi và tiêu diệt vi khuẩn có nguy cơ gây hại cho da.
Để giặt thảm, bạn hãy thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Trải thảm ra sàn nhà tắm và bắt đầu xả nước lên thảm.
Bước 2: Dùng bọt biển hoặc khăn vải mềm vệ sinh nhẹ nhàng lên bề mặt thảm. Bạn có thể sử dụng xà phòng tắm để giặt thảm nếu thảm có nhiều vết bẩn cứng đầu.
Bước 3: Xả nước lại một lần nữa để giặt sạch xà phòng cũng như loại bỏ hoàn toàn chất bẩn tồn đọng trên thảm.
Bước 4: Giũ thảm và đem phơi ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh phơi nắng trực tiếp làm hư thảm.
Xem thêm:
- Cách vệ sinh và bảo quản thảm yoga đơn giản ngay tại nhà
- Cách trải thảm yoga cực chuẩn dành cho người mới bắt đầu tập
- 4 cách vệ sinh thảm yoga đơn giản, nhanh chóng và hiệu quả
Qua bài viết trên, MISSKICK hi vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu được từng đặc điểm của các loại thảm yoga cũng như cách chọn thảm phù hợp với nhu cầu sử dụng của mỗi người. Hãy chia sẻ thêm những mẹo chọn thảm yoga hay ho mà bạn biết được trong phần comment nhé!