Công chiếu đã hơn một tuần nhưng đến nay, Cô Ba Sài Gòn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Quả thật, sự ủng hộ nồng nhiệt từ khán giả Việt chính là phần thưởng xứng đáng cho một bộ phim Việt được đầu tư chỉn chu về kịch bản, cách xây dựng nhân vật, cũng như cái đẹp và cái “đã mắt” rất riêng ở bộ phim này.
Nội dung bài viết
Chọn chiều sâu, thay vì “mì ăn liền”
Một hiện trang có thể dễ dàng nhận thấy của phim chiếu rạp Việt trong những năm nay là phim “mì ăn liền” – tức là lúc xem thì thấy cũng hay đấy, nhưng vừa bước ra rạp là quên ngay, quên sạch – đang dần chiếm sóng mọi rạp chiếu phim tại Việt Nam. Sự bành trước của các dòng phim “mì ăn liền” này vô tình khiến cho những bộ phim Việt thiên về nghệ thuật, chiều sâu gần như không còn đất sống nữa.

Giữa phong ba bão táp “mì ăn liền” như thế, Ngô Thanh Vân và ê-kíp phim Cô Ba Sài Gòn vẫn dũng cảm chọn một dòng phim thiên về chiều sâu nhiều hơn, quả là một quyết định dũng cảm và sự ủng hộ nhiệt liệt của khán giả trong thời gian vừa qua đã chứng minh, đây là một quyết định hoàn toàn đúng.

Khác với những bộ phim chiếu rạp được gắn mác “made in Việt Nam” khác, Cô Ba Sài Gòn không xoay quanh những chuyện tình yêu nam nữ lãng mạn tựa phim Hàn, cũng không đề cập đến chủ đề kinh dị nửa vời, “hù chút chơi”. Trái lại, bộ phim này chọn áo dài và hành trình nhận ra được vẻ đẹp của áo dài trở thành chủ đề chính.
Hành trình tìm đến vẻ đẹp vượt thời gian của Áo Dài
Áo dài, so với những xu hướng thời trang ngày nay, quả thật là có đôi phần hơi cũ kỹ một chút. Vì thế mà quyết định chọn áo dài trở thành “nhân vật chính” của bộ phim đối với ê-kíp Cô Ba Sài Gòn khá táo bạo. Bởi, chỉ cần một chút “lệch ray” thôi, mạch phim sẽ nhanh chóng chuyển sang nhàm chán, cứng nhắc khi cứ liên tục ca ngợi vẻ đẹp của Áo Dài ngay.

Thật may mắn khi Cô Ba Sài Gòn không hề rơi vào tình trạng này. Dù không có nhiều cao trào kịch tính nhưng xuyên suốt bộ phim, tinh thần yêu áo dài, yêu vẻ đẹp của trang phục truyền thống Việt Nam vẫn được truyền tải nhẹ nhàng và dễ thấm, không buồn ngủ, không cứng nhắc, cũng không khô khan nửa vời.

Xuyên suốt hành trình từ chán ghét áo dài cho đến thật sự nhận thức được vẻ đẹp của kiểu trang phục này, nhận thức được sự quan trọng của áo dài của Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc), cũng là lúc mà khán giả như vỡ oà ra: “Ồ, thì ra áo dài cũng có thể đẹp và sang trọng, đẹp và chất, đẹp và toả ra một thần thái khác biệt như thế”.
Có thể nói, đây là một thành công rất lớn của ê-kíp Cô Ba Sài Gòn.
Mới lạ, giàu cảm xúc và không thiếu những phân đoạn xúc động
Cảm xúc luôn là yếu tố quan trọng nhất của bất kỳ một bộ phim chiếu rạp nào. Khi một bộ phim khiến người xem cảm thấy xúc động thì đó cũng là dấu hiệu cho thấy, bộ phim đó đã có một thành công riêng cho mình.
Với điều này, Cô Ba Sài Gòn đã làm được. Dù không đến mức xuất sắc hay hoàn hảo vì đôi khi vẫn còn một chút cứng nhắc và tính “kịch” trong những câu thoại nhưng nhìn chung, bạn vẫn sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau khi thưởng thức bộ phim này.

Những cảm xúc mà Cô Ba Sài Gòn truyền tải đến khán giả cũng rất mới mẻ: Ngạc nhiên trước vẻ đẹp và thần thái riêng của áo dài, những phân đoạn gây hài rộn ràng mà không quá lố, sự choáng ngợp trước những bộ cánh lung linh trên phim, cảm phục trước sự cố gắng của Như Ý, cảm động cùng tình mẹ con, tình chị em của những nhân vật chính,…
Nếu nói về cách chạm đến những xúc cảm sâu trong lòng người xem, thì Cô Ba Sài Gòn đã làm được, và làm rất tốt, tốt hơn bất kỳ một bộ phim chiếu rạp Việt nào khác.

Kịch bản chỉn chu và toàn diện
Nếu như ở những bộ phim chiếu rạp Việt khác, chúng ta thấy những kịch bản “đầu voi đuôi chuột” – mở đầu thì hoành tráng lắm mà càng về sau càng đuối – thì ở Cô Ba Sài Gòn, điều này đã được khắc phục triệt để.
Nội dung của bộ phim này luôn nhất quán từ đầu tới cuối, mạch phim khi nhanh khi chậm nhưng nhìn chung là gãy gọn, không quá rườm rà, lê thê, tạo sự buồn ngủ cho khán giả khi thưởng thức. Các đoạn cao trào dù không “sâu” được như ý muốn nhưng vẫn tạo được cảm xúc riêng trong lòng người xem.

Mặt khác, kịch bản của Cô Ba Sài Gòn phải nói là khá chỉn chu. Hình ảnh Sài Gòn những năm 60, về thời trang, lối sống, từng câu nói và hành động của các nhân vật đều được xây dựng toàn diện, tạo nên một mạch phim nhất quán và không hề lộn xộn dù được kết hợp giữa yếu tố quá khứ và hiện tại.

Misskick không nhận xét hay nói quá nhiều đến nội dung vì thực chất, nội dung của Cô Ba Sài Gòn khá đơn giản. Nhưng cách triển khai các tình tiết, cách xây dựng nhân vật, cách các diễn viên chính thổi hồn vào cho nhân vật chính của họ trong Cô Ba Sài Gòn đều rất đặc biệt, đảm bảo sẽ khiến bạn “đã mắt” và cảm nhận được nét đẹp về truyền thống hiếm hoi trong một bộ phim chiếu rạp Việt.
Xem thêm:
- Top 5 bộ phim Trung Quốc mới hay nhất dự kiến ra mắt
- Top 10 phim cung đấu kinh điển trên màn ảnh Hoa Ngữ không nên bỏ lỡ
- TOP 20 phim lịch sử Việt Nam hay, ý nghĩa nhất bạn nên xem
Nếu muốn thưởng thức một bộ phim Việt thật sự đẹp, nhẹ nhàng mà vẫn “đã mắt” với từng thước phim, “đã mắt” với từng diễn xuất của các nhân vật chính, cũng như “đã mắt” với các bộ cánh đẹp thần sầu trên phim, thì Cô Ba Sài Gòn hoàn toàn xứng đáng để bạn lựa chọn.