Khi tập yoga, người dùng rất dễ gặp phải tình trạng thảm yoga bị trơn khiến cho việc thực hiện bài tập khó khăn và tệ hơn là có thể gặp phải chấn thương. Cùng Misskick tham khảo bài viết dưới đây để bỏ túi các cách xử lý thảm tập yoga bị trơn hiệu quả nhất nhé!
Nội dung bài viết
Nguyên nhân làm thảm yoga bị trơn
Do thảm yoga mới mua
Nguyên nhân đầu tiên đó là do phần sáp tạo khuôn trong quá trình sản xuất của thảm vẫn còn sót lại và bám trên thảm, gây nên sự trơn trượt khi tập.
Đối với một số chất liệu như polyvinyl clorua (PVC), dù chất lượng thảm có tốt đến đâu thì lúc mới mua về cũng có thể bị trơn trượt và sau một thời gian sử dụng, độ bám dính của thảm mới được tăng lên.
Do chất liệu của thảm
Thảm yoga được làm từ nhiều loại chất liệu khác nhau nhưng không phải chất liệu nào cũng có độ bám dính như nhau. Cụ thể là thảm được làm từ cao su, TPE hay Polyurethane thường ít bị trơn trượt hơn so với thảm được làm từ chất liệu PVC.
Do thảm có chất lượng không tốt
Do tính phổ biến của bộ môn yoga mà các sản phẩm thảm tập trên thị trường ngày càng nhiều. Bên cạnh những sản phẩm chất lượng tốt thì cũng có không ít các loại thảm kém chất lượng và dễ gây trơn trượt khi tập với giá thành cực rẻ.
Vì vậy, bạn nên chọn lọc những thương hiệu và địa chỉ mua uy tín để bảo vệ cơ thể khỏi những chấn thương không đáng có khi tập nhé!
Do không bảo quản thảm yoga đúng cách
Việc bảo quản sai cách không chỉ khiến cho thảm mau hỏng mà còn khiến cho bề mặt của thảm dễ bị trơn trượt hơn. Quá trình tập luyện khiến cho người tập tiết nhiều mồ hôi và có thể bám trên bề mặt thảm.
Nếu không được vệ sinh thường xuyên hoặc vệ sinh sai cách có thể khiến cho thảm giảm khả năng bám dính. Ngoài ra khi vệ sinh thảm, nếu bạn chà quá mạnh tay cũng có thể khiến cho bề mặt thảm bị sờn mòn và khiến chúng trở nên trơn trượt hơn.
Do mồ hôi, chất nhờn hoặc kem dưỡng trên da
Trong quá trình tập, mồ hôi, chất nhờn hoặc các loại kem dưỡng trên da bạn có thể bám vào thảm tập khi da bạn tiếp xúc với bề mặt thảm. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho thảm của bạn dễ bẩn và trở nên trơn trượt hơn.
Mẹo xử lý thảm yoga bị trơn tại nhà hiệu quả
Dùng thảm yoga thường xuyên
Đối với thảm mới được mua về, bạn cần sử dụng thật thường xuyên để loại bỏ lớp sáp ở bên trên bề mặt, sau một thời gian sử dụng, bạn sẽ thấy độ bám trên thảm sẽ được tăng lên đáng kể.
Đối với thảm cũ, bạn cũng nên sử dụng thường xuyên thay vì bỏ một góc vì điều này có thể khiến chất lượng thảm bị giảm và thảm nhanh xuống cấp hơn đấy!
Lau thảm yoga thường xuyên
Bề mặt của thảm tập có thể bám bụi bẩn từ mồ hôi, kem dưỡng trên cơ thể bạn hoặc từ bụi bên dưới nền. Các chất bẩn này có thể khiến cho bề mặt thảm bám dính kém hơn nên việc lau thảm thường xuyên là điều rất cần thiết.
Để thực hiện, bạn chỉ cần dùng khăn ướt hoặc dung dịch vệ sinh thảm để lau sạch các vết bẩn là đã hoàn thành rồi!
Dùng khăn trải thảm yoga
Việc sử dụng khăn trải thảm yoga cũng là một ý kiến hay bởi khăn có khả năng giúp bạn chống trơn trượt lên đến 90%. Ngoài ra, sử dụng khăn trải thảm cũng tiết kiệm được nhiều thời gian vệ sinh và bảo quản được thảm tập tốt hơn.
Dùng muối
Để thực hiện, bạn tiến hành hòa muối biển với một chút nước ấm rồi nhúng khăn hoặc bàn chải lông mềm vào dung dịch, sau đó tiến hành chà lên bề mặt thảm.
Phương pháp này giúp loại bỏ các hóa chất, sáp thừa cũng như mùi cao su còn sót lại trên thảm mới vô cùng hiệu quả!
Dùng tất và bao tay chống trơn
Để tăng độ bám đối với thảm, bạn cũng có thể đeo tất và bao tay được làm từ chất liệu chống trơn nhằm tăng độ ma sát cho thảm, cách này không chỉ giúp bạn chống trơn trượt mà còn giảm mồ hôi, chất bẩn bám vào thảm vô cùng hiệu quả.
Xem thêm:
- 8 bài tập với thảm yoga cực đơn giản mà bạn nên biết
- Cách vệ sinh và bảo quản thảm yoga đơn giản ngay tại nhà
- Thảm yoga định tuyến là gì? Lợi ích và cách sử dụng thảm
Như vậy, bài viết đã giúp bạn tìm ra các nguyên nhân khiến thảm yoga bị trơn và mẹo khắc phục hiệu quả. Chúc bạn thực hiện thành công và đừng quên để lại bình luận nếu có thắc mắc cần được giải đáp nhé!