Nếu bạn là người mới tập yoga hoặc mong muốn tìm một trường phái yoga nhẹ nhàng dành cho người lớn tuổi thì đừng bỏ qua trường phái Sivananda yoga – một trong những trường phái yoga nổi tiếng trên thế giới. Hãy cùng Misskick tìm hiểu những thông tin thú vị về trường phái Sivananda yoga tại đây!
Nội dung bài viết
Sivananda yoga là gì?
Trường phái Sivananda yoga được sáng lập vào năm 1957 bởi 2 huấn luyện viên yoga Ấn Độ nổi tiếng là Swami Sivananda và Swami Vishnudevananda. Sivananda yoga kế thừa từ trường phái Hatha yoga truyền thống với phong cách đặc trưng là tập trung vào hơi thở, thiền và tâm linh ở nhịp độ chậm.
Mục tiêu mà Sivananda yoga hướng đến chính là đạt được sự bình an trong tâm hồn, dạy cho chúng ta cách “phục vụ, yêu thương, cho đi, thanh lọc tâm hồn, thiền định, nhận thức.” Chính vì thế, Sivananda yoga còn được gọi là yoga của hạnh phúc và bình an
Các điểm chính trong Sivananda yoga
Để đạt được sự bình an trong tâm hồn, người tập Sivananda yoga phải áp dụng 6 điểm quan trọng trong Sivananda yoga vào đời sống như sau:
Asanas – Các tư thế
Cốt lõi của việc tập yoga chính là phải tập đúng tư thế và động tác yoga để phát huy toàn bộ hiệu quả của bài tập, giúp người tập rèn luyện cơ thể trở nên dẻo dai, linh hoạt. Bên cạnh đó, Asanas còn có thể kết nối hơi thở và tâm trí của yogi.
Pranayama – Hơi thở
Khi tập yoga (đặc biệt là thiền định), Pranayama là một trong những điều quan trọng mà người tập cần chú ý bởi vì nếu không biết điều chỉnh hơi thở thì bạn sẽ khó có thể nhận được nhiều lợi ích mà hơi thở mang lại.
Khi hít thở sâu, cơ thể sẽ nhận được một lượng oxy lớn để đưa oxy đi khắp các bộ phận trong cơ thể như tim, phổi, não; Thậm chí nếu bạn chỉ ngồi tịnh tâm thôi thì hít thở đúng cách sẽ giúp cho việc thiền định trở nên hiệu quả hơn.
Savasana – Sự thư giãn
Trong Sivananda yoga, việc thư giãn và nghỉ ngơi cũng cần được thực hiện để cơ thể nạp lại năng lượng, giải tỏa tinh thần và đầu óc trở nên thư thái, nhẹ nhàng.
Vegetarianism – Ăn uống đúng cách
Bên cạnh tập luyện thì chế độ ăn uống trong yoga cũng là yếu tố cần được chú trọng. Bạn nên ăn các loại thực phẩm Sattvic (là loại thực phẩm tinh khiết và an toàn cho cơ thể). Thực phẩm Sattvic giúp cho cơ thể trở nên khỏe mạnh, cảm xúc ổn định, tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng.
Để theo đuổi chế độ ăn này, bạn hãy ăn các loại trái cây, các loại hạt, ngũ cốc, mật ong,… ở dạng tinh khiết nhất.
Vedanta – Tư duy tích cực
Yoga luôn mang lại cho bạn một cơ thể khỏe mạnh và một lối sống lạc quan, tích cực. Nếu cuộc sống chỉ toàn những điều tích cực thì bạn sẽ khó thoát khỏi cảm giác buồn chán, căng thẳng, trầm cảm.
Vì vậy, tư duy tích cực chính là mục tiêu mà người tập yoga luôn luôn hướng đến và động lực để tập yoga mỗi ngày.
Dhyana – Thiền định
Thiền định sẽ giúp cho bạn khám phá chính bản thân mình là ai, bạn phải sống như thế nào và có trách nhiệm như thế nào đối với gia đình và xã hội. Từ đó, thiền định hướng con người đến một lối sống có mục tiêu, có trách nhiệm, có niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Các con đường trong Sivananda yoga mà bạn phải thông suốt
Karma Yoga – Con đường của hành động
Khi nhắc đến cụm từ “hành động”, chúng ta thường nghĩ đến việc hành động để cải thiện một điều gì đó ở bản thân như cách làm việc, tập thể dục, suy nghĩ,… Nhưng khi trải qua quá trình Karma Yoga, việc hành động sẽ hướng đến mục đích vì lợi ích xã hội.
Karma Yoga giúp người tập không chỉ hành động để thay đổi bản thân mà còn là tạo ra nhiều lợi ích cho xã hội, không màng vật chất, lợi lộc mà cống hiến thành quả đạt được cho Đấng Tối Cao.
Bhakti Yoga – Con đường của tình yêu thương
Swami Sivananda đã từng nói về con đường Bhakti Yoga như sau: “Bhakti là một sự kỷ luật và rèn luyện kỹ lưỡng về ý chí và tâm trí, một con đường dẫn đến nhận thức trực quan về Đấng Tối Cao thông qua tình yêu và tình cảm mãnh liệt.”
Vì vậy, những người thực hành Bhakti Yoga phải trải qua quá trình cầu nguyện, thờ phụng và nghi lễ, hiến dâng bản thân cho Đấng Tối Cao, phục vụ cho tất cả như phục vụ cho chính bản thân mình. Đọc mantras hoặc chánh niệm là hai trong số nhiều hình thức thực hành Bhakti Yoga.
Raja Yoga và Hatha Yoga – Con đường kiểm soát thân và tâm trí
Hatha Yoga là loại hình yoga kết hợp tâm trí và thiền định, từ đó giúp người tập tìm thấy sự bình an, thanh thản trong tâm hồn, đầu óc trở nên sáng suốt và xác định được mục tiêu sống của bản thân.
Raja Yoga là con đường dẫn đến trạng thái cuối cùng của ý thức, là sự hợp nhất giữa cơ thể và tâm trí với mục tiêu giúp người tập làm chủ bản thân và rèn luyện ý chí, lòng trắc ẩn. Raja Yoga được xem là mục tiêu cuối cùng của yoga.
Jnana Yoga – Con đường của kiến thức
Jnana Yoga là yoga của trí tuệ và tri thức, dạy chúng ta cách tự vấn bản thân về bản chất của sự vật, hiện tượng hoặc bản chất thực tại là gì. Mục tiêu là Jnana Yoga chính là nhận ra Đấng tối cao trong chính mình và trong tất cả mọi người.
Jnana Yoga được xem là con đường đầy thử thách và khó khăn để chinh phục bởi vì người tập phải hội tụ đầy đủ của các loại hình yoga trên (tình yêu dành cho Đấng tối cao, tình yêu thương và sức mạnh tâm trí và cơ thể). Nếu thiếu một trong các yếu tố trên thì người tập khó có thể vượt qua con đường này.
Lợi ích của Sivananda yoga
Khi theo đuổi Sivananda yoga, bạn sẽ bất ngờ bởi những lợi ích tuyệt vời mà loại hình này mang lại:
- Ổn định cảm xúc, kiểm soát tinh thần hiệu quả: Sivananda yoga tập trung vào kỹ thuật hít thở, thiền định và tụng kinh, giúp người tập phát triển ý thức và trực giác, từ đó biết cách điều chỉnh cảm xúc, tinh thần ổn định.
- Giúp phổi trở nên khỏe mạnh hơn: Nhờ vào việc rèn luyện kĩ thuật thở đúng cách, những ai theo đuổi Sivananda yoga sẽ sở hữu lá phổi khỏe mạnh hơn, giảm bớt các bệnh liên quan đến phổi.
- Thay đổi lối sống tích cực: Sivananda yoga hướng người tập đến tư duy tích cực và duy trì chế độ ăn uống khoa học, từ đó thay đổi hoàn toàn lối sống hiện tại, nhất là những ai đang có lối sống chưa lành mạnh.
- Một số lợi ích khác: giảm stress, hạ huyết áp, ngủ ngon,…
Đối tượng phù hợp với Sivananda yoga
Sivananda yoga phù hợp với ai?
Sivananda yoga có phong cách nhẹ nhàng, thoải mái nên sẽ phù hợp với tất cả mọi người. Đặc biệt, Sivananda yoga sẽ được khuyến khích dành cho:
- Những người mới tập yoga, mong muốn trải nghiệm yoga toàn diện nhất.
- Những người đang tập thiền định.
- Những người tập yoga lớn tuổi.
- Những người mong muốn tìm được sự bình yên trong tâm hồn.
Sivananda yoga không phù hợp với ai?
Bởi tính chất nhẹ nhàng và nhịp độ chậm trong từng động tác, Sivananda yoga sẽ không phù hợp với những người thích tập các động tác yoga linh hoạt, có nhịp điệu nhanh, không muốn ngồi yên một chỗ.
Xem thêm:
- Asana yoga là gì? Tác dụng và các tư thế Asana phổ biến nhất
- Yoga suối nguồn tươi trẻ là gì? Tác dụng, tư thế và lưu ý khi tập
- Hatha Yoga là gì? Lợi ích và các tư thế tập Hatha Yoga cơ bản
Từ những thông tin trên, Sivananda yoga chính là loại hình yoga hoàn hảo dành cho người muốn trải nghiệm yoga toàn diện và các yogi lớn tuổi.