Một trong những phong tục tập quán tốt của nước ta đến nay vẫn còn lưu truyền không thể không nhắc đến Tết. Trong ngày Tết đồng thời diễn ra rất nhiều phong tục Tết cổ truyền cũng như những lễ hội khiến người người háo hức. Dưới đây là 8 phong tục ngày Tết mà Misskick muốn giới thiệu với bạn!
Nội dung bài viết
Ý nghĩa phong tục ngày Tết
Tết là tên gọi tắt của Tết Nguyên Đán hay còn là Tết ta. Đây là một trong những phong tục lớn của Việt Nam cũng như là ngày hội có ý nghĩa nhất trong năm. Đó là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là khởi đầu mới của vạn vật sinh sôi.
Tết còn thể hiện sự trường tồn của cuộc sống, sự hòa hợp của con người với thiên nhiên. Không chỉ vậy Tết còn là lúc biểu hiện mối quan hệ giữa người thân, giữa bạn bè và những mối quan hệ hàng xóm láng giềng.
8 phong tục ngày tết cổ truyền Việt Nam
Tết ông Công, ông Táo
Cứ đến 23 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) hằng năm, nhà nhà lại tổ chức lễ cúng tiễn ông Công ông Táo về trời. Theo tục lệ vào ngày này, ông Táo sẽ cưỡi cá chép về trời báo cáo tình hình của nhà năm qua. Đến Giao thừa, ông sẽ trở lại và tiếp tục trông coi bếp núc.
Được coi là một trong những phong tục đón Tết quan trọng, lễ cúng ông Táo được mọi người tổ chức rất trang trọng. Lễ vật gồm có mũ cánh chuồn cho hai ông Táo, một mũ không có cánh chuồn cho bà Táo và một con cá chép (còn sống hoặc bằng giấy).
Lễ cúng thường diễn ra trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, sau khi tàn hương, mọi người sẽ hoá vàng đồ lễ và thả cá chép xuống ao, hồ, giếng,… Tết ông Công ông Táo là một phong tục đón Tết đã xuất hiện từ rất lâu đời và vẫn còn được gìn giữ tới tận bây giờ.
Lau dọn nhà cửa
Lau dọn nhà cửa sạch sẽ để chuẩn bị cho một năm mới sắp đến là một phong tục đón Tết của tất cả người Việt. Thói quen này được hình thành từ rất lâu đời và trở thành một nét văn hoá không thể xoá bỏ trong đời sống của người Việt.
Phong tục dọn nhà có ý nghĩa sắp xếp lại năm cũ, xoá bỏ hết những điều không hay, những phiền lo của năm cũ để chào đón một năm mới đầy niềm vui. Dọn nhà đón Tết còn là khoảng thời gian để mọi người trong gia đình quây quần, cùng nhau quét dọn nhà cửa, gắn kết tình cảm.
Chơi hoa Tết
Chơi hoa Tết cũng là một phong tục đón Tết không thể thiếu của người Việt. Cứ đến những ngày cận Tết, sau lễ tiễn đưa ông Táo về trời, mọi người lại cùng nhau chuẩn bị, trang trí những chậu hoa đào, cành mai rực rỡ để tô điểm cho ngôi nhà thêm tươi tắn.
Tỉa lá, chăm cây để hoa ra đúng mồng 1 Tết là những hoạt động mà người chơi hoa thường làm trong mỗi dịp gần Tết. Hoặc đơn giản hơn, người ta sẽ cùng nhau ra chợ hoa, chọn những cành mai đẹp nhất, chậu cúc vàng rực rỡ nhất để mang về trưng bày trong những ngày Tết.
Gói bánh chưng, bánh tét
Bánh chưng, bánh tét là hai loại bánh đặc trưng trong ngày Tết của đất nước ta. Cả gia đình cùng quây quần bên nhau, gói bánh chưng bánh tét, canh bếp lửa hồng 10 tiếng để luộc bánh là một trong những phong tục đón Tết khiến bao thế hệ người Việt nhớ nhung mỗi độ xuân về.
Tục gói bánh chưng được bắt nguồn từ đời vua Hùng thứ 6, do hoàng tử Lang Liêu nghĩ ra trong một cuộc thì tìm lễ vật để chọn ra người nối ngôi cho Vua cha. Bánh chưng, bánh tét được làm từ những nông sản thường ngày, quen thuộc với tất cả người Việt: gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong hoặc lá chuối.
Gói thành hình vuông là bánh chưng, bánh tét sẽ có hình trụ tròn, hương vị cũng không khác nhau là bao. Đây là món ăn truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc, không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên đán.
Đón Giao Thừa
Đêm Giao Thừa là thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Vào thời gian này, mọi người trong gia đình sẽ tạm gác mọi công việc còn dang dở, quây quần, trò chuyện bên nhau.
Lễ Giao Thừa hay còn gọi là lễ Trừ tịch, được diễn ra vào giờ Chính Tý đêm 30 tháng Chạp. Theo quan niệm dân gian, lễ cúng giao thừa được tổ chức ở ngoài trời và trong nhà. Đây là một phong tục đón Tết mang nhiều ý nghĩa, mang đậm bản sắc văn hoá và đáng tự hào của người dân Việt Nam.
Xông đất đầu năm
Xông đất đầu năm cũng là một phong tục đón Tết xuất hiện từ xưa và vẫn còn được giữ gìn. Người xông đất có thể được gia chủ chọn từ trước, hợp tuổi, hợp mệnh,… để mang lại cho gia đình điều may mắn. Nhiều người kỹ tính, thường không đến thăm nhà người khác vào ngày mồng 1 Tết, nhất là người đang có tang.
Có nhiều gia đình không chọn trước người xông đất mà để ngẫu nhiên. Dân gian quan niệm, người xông đất là đàn ông khoẻ mạnh, thành đạt, vui tươi hoặc trẻ con sôi nổi, ồn ào, sẽ mang lại cho gia chủ một năm mới nhiều niềm vui và tràn ngập tiếng cười, làm ăn phát đạt,…
Mừng tuổi
Mừng tuổi đầu năm là một phong tục đón Tết đặc sắc của Việt Nam. Tục lệ này có xuất xứ từ Trung Quốc. Tục mừng tuổi đầu năm không giới hạn trong ngày mồng 1, mà còn được diễn ra đến mồng 2,3 hoặc có thể đến tận mồng 10. Có thể nói, đây là một phong tục đón Tết được các em nhỏ yêu thích và mong chờ nhất trong dịp Tết.
Phong bao lì xì mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Màu đỏ của phong bao tượng trưng cho sự như ý, cát tường và may mắn suốt cả năm. Người nhận được phong bao lì xì sẽ được hạnh phúc và tài lộc suốt cả năm mới.
Xin chữ đầu năm
Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, mọi người trong gia đình thường cùng nhau đi xin chữ về treo. Đây là một phong tục đón Tết tốt đẹp, vẫn được giữ gìn và lưu truyền ở nước ta. Ông bà ta có câu: “Nét chữ, nết người”. Con chữ không chỉ diễn đạt ý nghĩa mà còn bày tỏ tấm lòng, tính cách của mỗi người.
Người được xin chữ thường là những người học cao hiểu rộng, hiểu biết nhiều, viết chữ đẹp: Thầy đồ, thầy giáo, bậc nho sĩ,… Tuỳ vào tính cách, nghề nghiệp và độ tuổi mà người ta sẽ xin những chữ khác nhau.
Người còn đi học thường xin chữ Tài, Trí. Người buôn bán, kinh doanh lại xin chữ: Phát, Lộc, Tín,… Có người lại xin chữ Hiếu, Nghĩa, Nhẫn,… tuỳ theo ước nguyện của mình.
Xem thêm:
- Top 10 kênh YouTube có lượt subscribe (đăng ký) cao nhất thế giới hiện nay
- Giữ cho quần áo luôn thơm tho bất kể thời gian hay thời tiết
- Bỏ túi 5 ứng dụng chụp hình cực đẹp cho bạn gái tha hồ “sống ảo”
Bài viết trên đã giới thiệu đến bạn đọc ý nghĩa của ngày Tết cũng như những phong tục Tết cổ truyền. Qua đó giúp các bạn nhìn nhận lại ý nghĩa to lớn của ngày Tết cũng như điểm qua những công việc ta sẽ làm trong mùa tết này. Chúc các bạn đọc có một mùa Tết bình an và hạnh phúc.