Khi mới bắt đầu làm quen với ăn dặm chắc hẳn bố mẹ nào cũng gặp không ít khó khăn. Đặc biệt với những bậc phụ huynh lần đầu làm bố mẹ thì càng không biết nên tập ăn dặm cho bé như thế nào. Cùng MISSKICK tìm hiểu bí quyết cho bé ăn dặm nhanh chóng qua bài viết sau đây nhé!
Nội dung bài viết
Bé nên tập ăn dặm ở độ tuổi nào?
Theo ý kiến của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thì bố mẹ nên cho bé tập ăn dặm vào giai đoạn 6 tháng tuổi. Đây là thời điểm cơ thể của bé phát triển mạnh mẽ nên nhu cầu dinh dưỡng cũng tăng cao. Do đó, lúc này rất cần tập cho bé ăn dặm để bổ sung lượng dinh dưỡng thiết yếu đáp ứng với sự tăng trưởng của bé.
Ngoài ra, khi bé được 6 tháng tuổi thì sữa mẹ cũng đã ít dần và loãng ra, không còn chứa nhiều dưỡng chất để cung cấp cho cơ thể bé. Vì vậy mà việc ăn dặm ở giai đoạn này rất quan trọng trong việc bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho bé.
Nên bắt đầu cho bé làm quen với những thực phẩm nào
Để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bé trong giai đoạn này thì mẹ nên kết hợp 5 nhóm dưỡng chất cần thiết cho bé bao gồm chất đạm (thịt, trứng, cá,…), chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật,…), tinh bột (gạo, nếp,…), vitamin và khoáng chất (hoa quả, rau củ,…).
Mẹ nên tập cho bé ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc để bé thích nghi dần, tránh tình trạng ép bé ăn khiến bé nôn ói, sợ ăn. Vào những ngày đầu, mẹ có thể cho bé ăn khoảng 5 – 10ml mỗi bữa đến khi bé quen dần rồi tăng liều lượng tùy thuộc vào nhu cầu của từng bé.
Phương pháp ăn dặm cho bé
Phương pháp ăn dặm truyền thống
Đây là phương pháp quen thuộc, được nhiều bố mẹ lựa chọn áp dụng cho đến ngày nay. Các mẹ sẽ dùng muỗng bón thức ăn cho bé. Với phương pháp này, mẹ có thể kết hợp nhiều nguyên liệu vào đồ ăn dặm để đa dạng dinh dưỡng cho bé và đừng quên sử dụng yếm ăn cho bé để tránh gây bẩn quần áo khi ăn.
Với kiểu ăn dặm truyền thống bố mẹ dễ dàng thực hiện và có thể kiểm soát được lượng thức ăn hằng ngày của bé. Tuy nhiên, nếu dùng phương pháp này thường xuyên sẽ dễ khiến bé bị béo phì và kén ăn. Hơn nữa, bé cũng khó phân biệt được mùi vị thức ăn do đã bị trộn lẫn nên bố mẹ không biết được sở thích của bé.
Phương pháp bé tự chỉ huy (phương pháp BLW)
Ngày nay, có rất nhiều phụ huynh cho bé nhà mình sử dụng phương pháp BLW. Mẹ chỉ cần chuẩn bị sẵn thức ăn và bé sẽ tự mình cầm nắm để ăn. Quá trình này sẽ giúp cho bé hình thành thói quen tự ngồi ăn và chọn được món ăn mà mình yêu thích.
Hơn nữa, phương pháp tự chỉ huy cho phép thoải mái chơi đùa, khám phá khi ăn. Tuy vậy, phương pháp BLW cũng có một số nhược điểm như mẹ sẽ tốn nhiều thời gian chuẩn bị và dọn dẹp thức ăn cho bé. Bé cũng sẽ ăn lâu hơn do bé tự mình ăn và lượng thức ăn mỗi ngày bé ăn được cũng không nhiều.
Phương pháp ăn dặm với túi nhai và bình bóp
Khi bé mới đầu ăn dặm thì đây là phương pháp thích hợp nhất. Mẹ cho thức ăn vào túi nhai hoặc bình bóp ăn dặm rồi để bé tự cầm để ăn. Với phương pháp này thì mẹ không cần lo về vấn đề bé sẽ nghẹn hay hóc thức ăn. Sau khi dùng xong thì mẹ nên rửa sạch dụng cụ ăn và tiệt trùng với nước sôi.
Phương pháp này chỉ phù hợp với những bé vừa mới tập ăn dặm, bởi vì không giúp bé phát triển khả năng nhai và cầm nắm của bé. Hơn nữa, khi sử dụng túi nhai hoặc bình bóp thì lượng thức ăn bé nạp được cũng ít hơn hai phương pháp trên.
Một số lưu ý khi cho bé ăn dặm
Nấu chín, nghiền nhỏ thức ăn
Ở giai đoạn từ 6 – 8 tháng tuổi thì mẹ nên nghiền nhỏ hoặc xay nhuyễn thức ăn hoàn toàn để tránh tình trạng bé bị nghẹn và hóc thức ăn. Sau khi qua giai đoạn từ 10 – 12 tháng tuổi thì mẹ có thể tập cho bé ăn thức thô bằng cách nấu chín mềm thức ăn để hỗ trợ khả năng nhai và phát triển nướu của bé.
Phối hợp các loại thức ăn với nhau
Việc thay đổi và phối hợp nhiều loại thức ăn rất quan trọng với bé. Bởi vì chúng không những cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của bé mà còn giúp bé đa dạng khẩu vị, không cảm thấy nhàm chán và biếng ăn.
Đảm bảo an toàn thực phẩm
Lúc này, hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển hoàn toàn và còn yếu, do đó mẹ nên chú ý về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong thức ăn dặm của bé. Để đảm bảo an toàn, mẹ nên chọn mua thức ăn tại những địa chỉ uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và thực hiện đúng quy tắc ăn chín uống sôi.
Tạo hứng thú cho bé khi ăn
Tùy vào tình trạng của mỗi bé mà quá trình tập ăn dặm diễn ra suôn sẻ hay không. Để tạo hứng thú và kích thích sự thèm ăn của bé thì mẹ có thể chọn dụng cụ ăn như chén, dĩa, muỗng,… hoạt hình, dễ thương, nhiều màu sắc. Ngoài ra, trong lúc ăn hãy thường xuyên nói chuyện cùng bé để tạo cảm giác vui vẻ.
Lượng ăn dặm cho bé
Lượng thức ăn phù hợp được hình thành dựa vào thể trạng của từng bé. Mẹ có thể chia thành 2 buổi mỗi ngày hoặc có thể chia thành nhiều bữa nhỏ hơn nếu bé có tình trạng lười ăn. Lưu ý, mỗi bữa cần cách nhau khoảng 2 giờ để bé có thể tiêu hóa được lượng thức ăn trước đó.
Dụng cụ ăn dặm cho bé
Bởi vì bé còn nhỏ nên chưa có khả năng kiểm soát được hành vi của mình, để không làm bé bị thương thì mẹ nên dùng những dụng cụ ăn được làm bằng nhựa, sứ, cao su không sắc nhọn. Ngoài ra, để an toàn với sức khỏe của bé thì mẹ cũng nên đọc kỹ thông tin về chất liệu của từng dụng cụ ăn của bé trước khi mua.
Trên đây là bài viết chia sẻ những bí quyết tập ăn dặm cho bé để mẹ có thể nhàn rỗi hơn. Hy vọng với những thông tin trên thì các bậc phụ huynh đã bỏ túi thêm nhiều kinh nghiệm để cùng bé trải qua quá trình ăn dặm thuận lợi nhé!