Một trong những nhân vật phản anh hùng nổi tiếng nhất vũ trụ Marvel, Venom giờ đây đã có một phần phim riêng cho mình. Với nhân vật tiêu đề được tái xây dựng hoàn toàn khác biệt, hãy cùng chúng mình đánh giá những điểm độc lạ của Venom nhé!
Nội dung bài viết
Giới thiệu phim
- Ngày công chiếu: 05/10/2018
- Đạo diễn: Ruben Fleischer
- Diễn viên: Tom Hardy, Michelle Williams, Riz Ahmed
- Thời lượng: 1 giờ 52 phút
- Thể loại: Hành động, Hài hước, kinh dị, viễn tưởng
- Điểm IMDb: 6.7/10
- Giải thưởng: 3 chiến thắng và 9 đề cử
Là tác phẩm nhằm khởi động vũ trụ Marvel của riêng Sony, Venom là một nhân vật “phản anh hùng” cùng tên thuộc truyện tranh Marvel. Trong phim, khán giả sẽ được chứng kiến một tính cách Venom hoàn toàn khác với những gì đã được trình chiếu trong Spider Man 3.
Trong cuộc hành trình đi tìm sự sống trên một hành tinh mới, tàu vũ trụ của tập đoàn sinh học Life Foundation vô tình phát hiện một sao chổi với các dạng sống ký sinh. Họ thành công đem về Trái Đất 4 dạng cá thể, nhưng một trong số chúng đã thoát ra ngoài, tạo nên mối hiểm họa chưa từng có.
Eddie Brock, nhà báo điều tra, một người bất cần và bộc trực, đã vô tình phát hiện ra bí mật nên đã đăng tin công kích Life Foundation – khiến anh mất hết tất cả. Quyết tâm trả thù, Brock thâm nhập vào trụ sở nghiên cứu và bị tiếp xúc với thứ ký sinh kỳ dị, một sinh vật tự giới thiệu với tên gọi Venom. Diễn biến sau đó sẽ như thế nào ? Hãy thưởng thức bộ phim để tìm ra câu trả lời nhé!
Review phim Venom
Kịch bản không chú trọng nhiều vào cốt truyện
Với mục đích khởi động lại vũ trụ đang “suy thoái”, các nhà làm phim của Sony đã chọn hướng xây dựng mạch phim không quá nặng về giai thoại hay cốt truyện. Thay vào đó, họ đã chọn cách phát triển tâm lý của nhân vật tiêu đề sao cho chân thật và gần gũi với khán giả đại chúng.
Cũng chính vì vậy, các nhà phê bình điện ảnh đã thể hiện một thái độ không mấy “mặn mà” với Venom, có thể được thể hiện qua 29% cà chua thối và 35 điểm Metacritic. Ngược lại, nhiều khán giả sau khi xem xong lại cảm thấy thích thú và đánh giá đây là một bộ phim hấp dẫn.
Phim sở hữu một tuyến chuyện với mô-típ siêu anh hùng đơn giản và quen thuộc, vậy nên khán giả khó lòng tìm ra được điểm nhấn nào về mặt nội dung. Với một hồi đầu hơi “buồn ngủ” cùng nội dung được cắt ghép cho phù hợp với PG16, nhiều người hâm mộ sẽ nhận ra những điểm bất hợp lý, thậm chí là phi logic trong cách chuyển cảnh.
PG16: là mác phân loại phim của MPAA, bộ phim có những phân cảnh bạo lực chỉ phủ hợp với khán giả có độ tuổi từ 16 trở lên
Điều này chỉ được vớt vát khi khán giả được đưa đến hồi cuối, nơi những phân cảnh hành động mãn nhãn được tận dụng một cách triệt để nhằm chiều lòng các fan. Sự hoành tráng đã giúp người xem quên đi sự khó chịu, và thậm chí khó có thể rời mắt khỏi cặp đôi Ven-Edd khi họ bắt đầu hợp nhau hơn.
Cảm xúc của Venom được chú trọng và có chiều sâu nội tâm nhân vật
Không giống như các phim về đề tài ký sinh trùng khác khi họ chọn cách phô diễn độ nguy hiểm tàn bạo của vật thể, Symbiote Venom của chúng ta lại được khai thác có chiều sâu và chân thật hơn rất nhiều. Venom trong phim sở hữu suy nghĩ, cảm xúc và thậm chí còn biết nói tiếng anh, tuy nhiên thì lại có quá nhiều sự khác biệt với phiên bản gốc trong Spider Man 3.
Cụ thể hơn, hồi đầu của phim cho thấy sự bạo lực, “hổ báo” của Symbiote Venom khi nó ép buộc Eddie phải tàn phá hay “cạp” não. Tới hồi cuối, cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất, một Venom đáng lẽ phải hung bạo giờ đây còn biết nũng nịu, thậm chí còn giận dỗi khi bị gọi là “ký sinh trùng”.
Ý nghĩa nhân văn được cài cắm
Thông qua tác phẩm, đạo diễn Ruben Fleischer đã gửi gắm những thông điệp về hành vi của con người có tác động tiêu cực như thế nào lên chính hệ sinh thái này. Ngoài ra, đó còn là sự tàn bạo giữa mối quan hệ giống loài, khi người với người chọn cách đối xử với nhau quá bất công, là những người vô gia cư bị đưa ra làm vật thí nghiệm cho những ý tưởng điên rồ.
Tuy nhiên thì hai thông điệp trên chưa được thực sự nhấn mạnh. Có lẽ chỉ những ai quan tâm và đủ sâu sắc mới có thể nhận ra những yếu tố nêu trên hoặc là đọc review của chúng mình để nhận ra điều này.
Hình ảnh chính là điểm cộng
Là một phim với chủ đề khoa học viễn tưởng – siêu anh hùng, phần hình ảnh quyết đỉnh rất nhiều đến sự thành công của tác phẩm. Nhờ có những pha dàn dựng kỹ xảo cực đỉnh cao, những lỗ hổng của kịch bản mới được cứu vớt để “hạ cánh an toàn”.
Màn rượt đuổi của Eddie Brock và những tên tay sai của Carlton Drake là cực kỳ ngoạn mục. Kết hợp với kỹ năng xây dựng Venom cùng kỹ thuật slow motion đặt vào đúng chỗ, khán giả đã thực sự chìm đắm vào những phân cảnh hành động mãn nhãn.
Trong trường đoạn cuối khi diễn ra cuộc giao tranh cuối cùng giữa Venom và Riot, khán giả đã được nhìn thấy sự một cuộc chiến thật sự. Không còn là những cú đấm “thiếu sát thương”, những chiêu thức mà hai bên “tặng nhau” và vô cùng hiểm độc và chết người.
Âm thanh sống động nhưng thiếu nổi bật
Venom là một tác phẩm đánh nhiều vào yếu tố giao tranh và tương tác của nhân vật tiêu đề với môi trường, vậy nên phần âm thanh được làm cực kỳ ăn khớp với từng chuyển động. Nổi bật hơn cả chính là ca khúc Venom của rapper người Mỹ huyền thoại Eminem sáng tác và trình diễn, hiếm có ca khúc nhạc phim nào thành công và tồn tại được lâu như vậy.
Nhưng ngoài “Venom” ra, không còn ca khúc nào gây ấn tượng đáng chú ý dành cho khán giả, cũng không thực sự có phân cảnh nào mà phần hòa âm khiến khán giả “rợn da gà” cả. Chính vì thế mà phần “hòa thanh phối khí” của ekip sản xuất chỉ được đánh giá với mức điểm trung bình khá từ khán giả.
Diễn xuất cùng dàn diễn viên cực khủng
Là một tác phẩm mang chất siêu anh hùng được ông lớn Sony sản xuất, việc Venom hội tụ các gương mặt tài năng và sáng giá cũng là điều dễ hiểu. Trong đó, khán giả có thể dễ dàng nhận ra những cái tên vốn đã xây dựng được thương hiệu, như Tom Hardy, Michelle Williams, Riz Ahmed,…
Cái tên Tom Hardy thì có lẽ không cần phải bàn cãi. Anh thã thật sự thành công khi hóa thân vào chính Eddie Brock, một con người bốc đồng, thích thể hiện nhưng lại có một diễn tâm lý tình cảm sâu sắc và phức tạp. Tuy nhiên vì Venom là nhân vật chủ đạo, có lẽ những gì còn sót lại trong lòng khán giả không phải là sự sâu sắc của vai diễn, mà lại chính là sự ngông cuồng của mẫu vật ký sinh lên anh.
Michelle Williams, người đã xuất sắc nhận được 4 đề cử Oscar đã có màn thể hiện tròn vai với tư cách là cô người yêu tóc vàng của Eddie. Tuy nhiên thì khả năng thực sự của cô vẫn chưa được khai thác, khiến vai diễn và câu thoại tuy hợp logic nhưng lại thiếu chiều sâu.
Về vai phản diện chính Carton Drake, đây có lẽ là điểm trừ đã kéo tụt cảm xúc của khán giả. Diễn viên Pakistan Riz Ahmed với một gương mặt điển trai nhưng khá hiền có lẽ sẽ hợp với các vai hài hướng và tốt bụng hơn là một ông trùm tội phạm công nghệ.
Xem thêm
- Review phim The Nun | Ác quỷ ma sơ
- Review phim The Conjuring 2 | Ám Ảnh Kinh Hoàng 2
- Review phim Cuộc Chiến Sinh Tử | Mortal Kombat
Trên đây là toàn bộ review phim Venom. Nhìn chung Venom vẫn là một tác phẩm đáng xem và thành công về mặt thương mại. Tuy không có được chiều sâu về cốt truyện, phim vẫn thành công khi tạo ra một thế giới đặc sắc và tách biệt hoàn toàn với MCU của nhà Chuột. Nếu là một “fan trung thành” của những pha hành động mãn nhãn, đừng chần chừ mà chọn ngay tác phẩm này. Chúc các bạn có những giờ phút xem phim thật vui vẻ!