Omamori là một chiếc túi truyền thống của Nhật Bản. Giống với các loại bùa linh thiêng, chúng đem đến bình an, hạnh phúc cho người đeo nó. Ở nước ta, chiếc túi dễ thương này cũng dần phổ biến rộng rãi, và được “biến tấu” thành một phụ kiện may mắn, có nhiều ý nghĩa tốt lành.
Nội dung bài viết
Omamori là gì?
Đây là một vật cầu may mắn rất đặc trưng tại xứ sở hoa anh đào. Thông thường, người ta có thể thỉnh bùa tại các ngôi đền trên khắp lãnh thổ Nhật Bản. Omamori có “ngoại hình” là chiếc túi gấm với đủ các màu sắc, rực rỡ.
Bên trong thường là những tờ giấy hoặc miếng gỗ nhỏ, vuông vức ghi lời cầu nguyện để gửi đến các vị thần Shinto. Nàng có thể khấn nguyện bình an, suôn sẻ chính bản thân mình, hoặc gửi những lời chúc tốt lành ấy đến bạn bè, người thân nữa.
Có thể nói, Omamori rất thông dụng và mang đậm văn hoá Nhật Bản. Điều này thể hiện rõ rệt qua từng họa tiết hoa lá, hoạt hình, từng sự cách điệu ngọt ngào đến khó tả. Ta có thể dễ dàng bắt gặp các nhân vật gắn với tuổi thơ như Pokemon, chú mèo thần tài, cú mập tròn xoe hoặc lồng đèn cá chép…
Khi du nhập vào Việt Nam, Omamori còn được “nguỵ trang” dưới dạng chiếc móc khoá, móc điện thoại be bé, thẻ bài móc lên xe đạp hoặc treo lên xe hơi, gấp nhỏ bỏ vào túi… để cầu mong an lành khi xuất hành. Với ý nghĩa độc đáo như thế, Omamori đã trở thành món quà tặng thông dụng trong các dịp đặc biệt như năm mới, mùa thi đại học…
Có nhiều loại bùa Omamori
Không cần biết bạn thuộc tôn giáo nào, Omamori rất “dễ tính” khi kết thân với người chủ của nó. Điều này thể hiện qua việc cả đền thờ Đạo lẫn chùa chiền Phật giáo Nhật Bản đều có bán những chiếc túi xinh xinh này.
Tuy nhiên, không chỉ là một món quà lưu niệm thông thường, nàng nhớ “đối xử thật tốt” và trân trọng các túi phước an lành này nhé! Tuỳ vào mục đích cầu nguyện, Omamori cũng được chia làm rất nhiều loại: cầu phúc, cầu lưu thông an toàn, cầu tình duyên, tránh tà, hộ mệnh cho phụ nữ khi sinh nở, cầu học hành cho “sĩ tử”…
Bạn biết không, mỗi chiếc túi cũng có một đặc trưng riêng đó. Chẳng hạn, bùa Kanai Azen giúp con người tránh tà, thoát khỏi các tật bệnh có màu sắc chủ đạo là trắng, vàng, xanh nhạt. Nó khác với sắc đỏ thẫm vui vẻ của chiếc túi Enmusubi, loại bùa dành cho người độc thân và các cặp tình nhân đang yêu nhau.
Các Omamori cầu may, cầu phúc thì thường có hình tròn, được buộc túm ở đầu, khác với sự vuông vức, chắc chắn của các Kotsu Azen (bùa lưu thông bình an). Riêng chiếc túi cầu thành công trong công việc, học tập thì có ngoại hình “kute” nhất. Nó thường được bỏ trong các lọ thuỷ tinh hoặc cuộn tròn rồi cho vào túi nhựa trong suốt.
Nơi để thỉnh bùa hộ mệnh Nhật Bản
Như đã giới thiệu, túi phước được thỉnh trên khắp lãnh thổ Nhật Bản, trong những dịp trang trọng như lễ hội cổ truyền, năm mới… Hầu như mỗi ngôi chùa, đền thờ đều có Omamori, nhưng chúng sẽ có sự khác biệt đôi chút với nhau.
Ví dụ như bùa “bách chiến bách thắng” của đền Shizuoka Sengen còn được thêu tên đền ở giữa túi. Sau đó, người ta còn “mặc” vào chiếc áo plastic lấp lánh để giữ cho Omamori luôn mới toanh. Bùa chúc an lành cho thai phụ thì thường được thỉnh ở chùa Hasedera ở Hara. Từ cách đan dây, hoạ tiết thêu cũng toát lên vẻ nữ tính, dịu dàng và an yên.
Hầu như những chiếc túi được thỉnh trực tiếp từ các đền chùa đều khá đắt đỏ (khoảng vài trăm ngàn), bởi chúng hoàn toàn được làm thủ công rất tinh xảo. Đối với người Việt Nam, nếu có dịp đi du lịch hoặc có người thân, bạn bè ở Nhật Bản, ta nên nhờ họ thỉnh Omamori giúp.
Hiện nay cũng có rất nhiều các cửa hàng bán Omamori như shop Omi Japanese Gift, Mary… Mặc dù giá thành của các túi phước khá rẻ, chỉ khoảng 50- 60 ngàn, do chúng được người bán tự may mà không phải thỉnh xa xôi.
Tuy nhiên, với những ý nghĩa phúc lành như thế, chúng cũng rất xứng đáng trở thành một phụ kiện “độc lạ” dành cho con gái.
Các lưu ý khi mang túi phước
Những chiếc túi gấm trông nhỏ bé, xinh xắn vậy thôi nhưng cũng đầy phức tạp và có nhiều lưu ý cần “bỏ túi”. Trước hết, loại bùa này được tương truyền rằng không bao giờ hết linh thiêng. Thế nhưng người Nhật Bản lại cũng hay đổi Omamori vào mỗi dịp đầu năm, như một sự “F5” niềm may mắn vậy.
Chưa hết, nếu muốn chiếc túi này luôn “thần thánh” và có thể phù hộ cho chúng mình, nàng đừng mở túi để ngắm nghía bên trong. Nếu không, thần hộ mệnh sẽ “hết hồn” và bay đi mất luôn đó!
Omamori cũ, sau khi thay cũng cần được đối xử tử tế. Ta có thể chọn một góc bàn nhỏ hoặc khung cửa sổ để treo chúng lên. Hành động vứt vào thùng rác là cực kỳ tối kỵ, bởi vì nó thể hiện sự khinh nhờn thần Shinto.
Omamori có hàng chục, thậm chí hàng trăm loại, và ta có thể thoả thích thỉnh về để làm quà. Thế nhưng điều này không bao gồm các Omamori tình yêu (Enmusubi). Thông thường chúng có thể bán thành từng đôi. Nếu “FA”, ta có thể xin thỉnh một chiếc. Nhưng việc cho tặng Enmusubi là không được hoan nghênh, trừ khi đối phương nhờ bạn thỉnh giúp!
Xem thêm:
- Cách diện đồ đẹp, chuẩn style thời trang Giáng sinh cho hội bạn thân
- Chọn mũ “chuẩn hơn cả chỉnh” cho từng kiểu tóc khác nhau
- Tổng hợp các kiểu áo sơ mi cơ bản cho bạn gái
Với độ ngọt ngào, dễ thương và nhiều ý nghĩa tốt lành, cũng không lạ lẫm vì sao túi Omamori du nhập vào Việt Nam cực nhanh và “đốn tim” phái đẹp nước ta đến thế. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết của Misskick.